Vòng đời của một bộ phim, nhìn
chung gồm ba giai đoạn: sản xuất, phát hành và trình chiếu. Mấy năm gần đây, giai
đoạn đầu tiên đã trở nên rất quen thuộc khi các chương trình giới thiệu “chuyện
hậu trường” của những bộ phim lớn đặc biệt được ưa chuộng; và trên đĩa DVD
thường có bonus features giới thiệu kỹ lưỡng về quá trình làm phim. Nhưng những
gì diễn ra sau khi một bộ phim hoàn thành cho tới khi nó đến được với khan giả thì
vẫn ít nhiều xa lạ.
Trình chiếu
Khái niệm trình chiếu (exhibition) trong trường hợp này cần được hiểu theo
nghĩa rộng, nghĩa là không dừng lại ở không gian trong rạp chiếu phim. Thời kỳ
chiếu rạp, hay còn gọi là theatrical
release, chỉ là giai đoạn đầu tiên. Sau khi ra mắt ở rạp, một bộ phim sẽ tiếp
tục được phát hành dưới nhiều hình thức, từ dạng video-on-demand trên máy bay
và trong khách sạn, cho đến truyền hình trả tiền (pay-per-view), rồi mới đến DVD.
Điều này lý giải vì sao sau khi ra rạp vài tháng, những bộ phim lớn của
Hollywood mới có đĩa DVD (lậu) tại Việt Nam . Phim càng ăn khách, thời gian
chiếu rạp càng dài thì càng lâu có bản đẹp, nếu có cũng chỉ là bản chất lượng
kém, quay trộm trong rạp. Cá biệt có những trường hợp DVD lậu bản đẹp xuất hiện
từ rất sớm, do bản DVD lưu hành nội bộ bị rò rỉ ra bên ngoài.
Mặc dù vậy không phải phim nào
cũng đi theo đúng trình tự này, nhất là phim độc lập và phim của các nền điện
ảnh khác, không do Hollywood sản xuất. Cũng có
những phim không qua giai đoạn chiếu rạp, được phát hành thẳng dưới dạng DVD ra
thị trường. Ba phần 4, 5, 6 của series American
Pie là một ví dụ điển hình cho những bộ phim direct-to-video.
Rất nhiều người nghĩ rằng thời kỳ
chiếu rạp mang lại lợi nhuận lớn nhất cho nhà sản xuất, thực ra không phải vậy.
Phần đông khán giả tiếp xúc với một bộ phim Hollywood qua video gia đình (DVD hoặc truyền
hình) chứ không xem trực tiếp ngoài rạp. Con số thống kê cho thấy chỉ có 22% số
khán giả là thuộc diện đến rạp thường xuyên, và 22% này đóng góp trên 65% doanh
thu chiếu rạp. Trừ những phim cực kỳ thành công như The Blair Witch Project (kinh phí dưới 30.000$ song doanh thu lên
đến 250 triệu), doanh thu chiếu rạp thường chỉ dừng lại ở mức hòa vốn. Lợi
nhuận chủ yếu đến từ dịch vụ bán, cho thuê DVD, truyền hình trả tiền, các sản
phẩm ăn theo như đồ lưu niệm, quần áo v.v... Từ 1988, doanh thu trên thị trường
home-video ở Mỹ đã đạt gấp đôi doanh thu phòng vé. Bản thân Quentin Tarantino
trước khi trở thành đạo diễn từng là chủ tiệm cho thuê phim video, vì thế trong
những phim như Kill Bill có rất nhiều
ý tưởng liên hệ với những bộ phim hạng B ông từng xem trong thời gian này.
Tuy nhiên, thời kỳ chiếu rạp vẫn
là đặc biệt quan trọng, đóng vai trò quyết định, là bệ phóng cho thành công của
bộ phim ở các thời kỳ sau. Chính vào thời điểm này bộ phim thu hút được sự chú
ý đặc biệt của công chúng: giới phê bình lên tiếng, truyền hình loan tin, khán
giả bàn tán. Doanh thu ở thị trường home-video có 80% đến từ những phim ăn
khách khi chiếu rạp. Dù vậy, cũng có những ngoại lệ nhất định, điển hình là Shawshank Redemption, đứng đầu Top 250
của IMDB, không ăn khách ngoài rạp nhưng lại đặc biệt thành công trên thị
trường video gia đình, điều góp phần đưa nó đến vị trí hiện tại.
Một nét đáng chú ý của giai đoạn
chiếu rạp là tính mùa vụ. Nếu như ở Châu Âu thời kỳ trọng điểm tập trung vào
mùa thu thì tại Bắc Mỹ mùa phim chính là mùa hè. Khán giả khi đó chủ yếu là
thanh thiếu niên vừa kết thúc học kỳ, với nhu cầu giải trí là chủ yếu. Những
phim ra rạp giai đoạn này do vậy thường là phim hài nhẹ nhàng, phim hành động,
kinh dị v.v… Phim phát hành vào dịp Lễ Phục Sinh và Giáng Sinh thường hướng tới
đối tượng độc giả lớn tuổi hơn, nghiêm túc hơn, đồng thời nhắm tới đề cử giải Oscar
mùa xuân năm sau.
Phát hành
Đây có lẽ là giai đoạn khán giả
ít biết đến nhất, nhưng lại là giai đoạn “tập trung quyền lực” trong ngành công
nghiệp điện ảnh. Điểm mặt các nhà phân phối cũng đồng nghĩa với việc chỉ tên những
con ngáo ộp của làng điện ảnh: Warner Bros., Paramount ,
20th Century Fox, Disney, Universal, Columbia . Những cái tên này có lẽ đã rất quen
thuộc với khán giả: quả địa cầu (Universal), tòa lâu đài (Disney), dãy núi cao tuyết
phủ (Paramount ) luôn là hình ảnh xuất hiện đầu
tiên trên mỗi bộ phim. Nhưng quyền lực thực sự và tầm ảnh hưởng của chúng trong
làng điện ảnh thế giới thì lại là một điều khá mơ hồ với đại bộ phận khán giả.
Để có phim chiếu, nhà rạp phải thuê
phim từ nhà phân phối. Xét về bản chất, các công ty phát hành chính là các đại
lý khống chế và điều tiết nguồn phim trên thị trường, đóng vai trò cầu nối giữa
nhà sản xuất và khán giả. Có ba hình thức thuê phim chủ yếu: (1) nhà phân phối
chiếu trước cho các rạp xem, sau đó họ “trả giá” để giành quyền chiếu phim mình
muốn thuê; (2) thuê mà không được xem trước (blind-booking); (3) thuê trọn gói,
nghĩa là các rạp chấp nhận thuê một gói nhiều phim để có được một hoặc vài phim
mình muốn. Một số phim hạng B chất lượng bình thường, nếu không muốn nói là rất
dở (The Marine, Prom Night) được nhập về Việt Nam thời gian qua có lẽ đã được nhập
vào qua mô hình thứ ba.
Sáu nhà phân phối lớn (major distributor)
kể trên nắm nguồn cung cấp phim chủ lực cho hệ thống các rạp chiếu bóng trên
toàn cầu, chiếm hơn 95% doanh thu bán vé tại Bắc Mỹ và hơn 50% thị trường thế
giới. Sở dĩ có sự tập trung quyền lực này vì điện ảnh là một ngành kinh doanh
hết sức mạo hiểm: một bộ phim trung bình ở Hollywood
có kinh phí khoảng 50 triệu dollar và luôn tiềm ẩn nguy cơ thất bại. Qua thời
gian, những nhà phân phối nhỏ đã dần bị đào thải và thôn tính, giờ đây cuộc
chơi chỉ còn lại sáu ông lớn, vì chỉ họ mới kham nổi mức độ rủi ro này.
Một điều lý thú là mặc dù các
công ty phát hành lớn đều đặt trụ sở và hoạt động trên đất Mỹ nhưng chủ sở hữu
của chúng có một nửa không mang quốc tịch Mỹ. Columbia thuộc về Sony; 20th
Century Fox thuộc về News Corp của trùm truyền thông Rupert Murdoch người Úc;
còn Universal thuộc về Vivendi, một tập đoàn của Pháp. Hoạt động của các công
ty phân phối này luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ các chi nhánh hoạt động
trên các lĩnh vực khác nhưng thuộc cùng tập đoàn: truyền hình, báo chí, thiết
bị nghe nhìn v.v…
Với thực lực lớn như vậy, nhà
phân phối luôn là một con sư tử khi phân chia lợi nhuận. Gần đây không ít khán
giả than phiền về việc Megastar tăng giá vé, song ít người biết rằng nhà rạp
(exhibitor) chỉ được hưởng một phần rất nhỏ trên tổng doanh thu. Một hợp đồng “chuẩn”
sẽ cho phép nhà phân phối giữ lại 90% doanh thu của tuần đầu tiên. Tỉ lệ này sẽ
giảm dần xuống còn 30% sau vài tuần. Nhưng hầu hết các bộ phim chỉ ăn khách
trong vài tuần đầu và khi ấy miếng bánh lớn vẫn về tay nhà phân phối. Còn nếu
bộ phim sớm thất bại thì nhà rạp hầu như chẳng thu lại được gì. Đây chính là
nguyên nhân khiến đồ ăn nhẹ ngoài rạp luôn có giá cắt cổ: tiền bán bỏng ngô và
nước giải khát có thể chiếm đến 70% lợi nhuận của rạp. Không phải ngẫu nhiên mà
một nhà quản lý ở New York
đã phải thốt lên: “Nghề của tôi là buôn quà vặt. Tôi chỉ tình cờ làm việc ở rạp
chiếu phim thôi.” Bởi vậy khán giả cũng đừng nên trách móc nhà rạp rằng popcorn
và Coke đắt thế – trong chừng mực nào đó, họ buộc phải làm vậy để có thể tồn
tại và phát triển.
Khi đã khấu trừ các khoản thuộc
về nhà rạp, nhà phân phối sẽ giữ lại 35% doanh thu – khoản này gọi là phí phát
hành. Nếu họ còn góp vốn làm phim thì họ sẽ lấy thêm một phần nữa, cộng với chi
phí nhân bản phim và quảng cáo (trung bình là 30 triệu dollar). Phần còn lại
mới đến tay nhà sản xuất, diễn viên và các bên tham gia khác. Nếu doanh thu
phòng vé không đủ thì họ phải đợi đến khi có lợi nhuận từ các nguồn thu khác:
từ DVD và bản quyền truyền hình. Bởi vậy ngày nay rất nhiều đạo diễn tên tuổi
và diễn viên ngôi sao đòi trả lương ngay từ khi có doanh thu phòng vé.
Những bộ phim mainstream (dòng
chính thống) của Hollywood thường được sự hậu thuẫn về tài chính của nhà phân
phối, vì hầu hết đều từ những studio lớn đi lên, và có hệ thống cơ sở hạ tầng
rất hùng hậu để làm phim như Warner Bros. và Paramount Pictures. Để có tiền
thực hiện dự án, nhiều nhà làm phim độc lập hay nước ngoài thường “bán trước”
quyền phát hành cho nhà phân phối. Khoảng hai thập kỷ trở lại đây, xuất hiện
một số công ty chuyên phát hành phim độc lập khá ăn nên làm ra như Miramax (Pulp Fiction, Shakespeare in love) hay Good Machine (Ngọa hổ tàng long). Sáu gã khổng lồ nhanh chóng nhận ra tiềm năng
của các công ty nhỏ này, và lập tức tiến hành sát nhập, biến chúng thành các chi
nhánh nhắm vào thị trường phim độc lập. Disney mua lại Miramax, Universal thâu
tóm Good Machine và đổi tên thành Focus
Feature, 20th Century Fox lập ra Fox Searchlight (phát hành Juno). Bởi vậy khi xem phim, chỉ cần
thấy logo một trong số các công ty này là ta có thể đoán ngay đây là một bộ
phim thiên về nghệ thuật.
Các studio lớn ở Hollywood từ lâu đã mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài
biên giới nước Mỹ. Họ có chi nhánh ở khắp các thị trường quốc tế chủ chốt, thực
hiện việc bắn phụ đề hoặc lồng tiếng cho phim, tùy theo sở thích và tập quán
của mỗi thị trường. Thông thường ở châu Á, phim được phát hành khá sớm, thậm
chí là đồng thời với Bắc Mỹ; vì ở đây nhà phân phối phải đối mặt với nạn băng
đĩa lậu hoành hành. Trong khi đó châu Âu lại phát hành chậm hơn Mỹ đến vài
tháng, có lẽ là để tiết kiệm chi phí nhân bản phim. Thị trường lớn nhất của các
hãng phát hành hiện nay vẫn là Bắc Mỹ, rồi đến Nhật Bản và Tây Âu, sau nữa mới
đến các nước ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Việt Nam hiện nay mới chỉ có
khoảng hơn 100 phòng chiếu đạt tiêu chuẩn trên 80 triệu dân, là một thị trường
đầy tiềm năng trong tương lai.
Từ trước khi bộ phim hoàn thành, nhà
phân phối đã lên lịch chiếu và triển khai quảng cáo cho nó. Đây là lúc các công
ty lớn phát huy ưu thế về quy mô: in 1000 bản phim và 100.000 poster rẻ hơn nhiều
so với in 10 bản và 100 poster. Và cũng chỉ các công ty lớn mới đủ tiềm lực tài
chính để quảng cáo mạnh mẽ cho bộ phim trên phương tiện thông tin đại chúng. Với
sự bùng nổ của truyền thông, phương thức quảng bá cho một bộ phim ngày nay đã trở
nên hết sức đa dạng, từ website riêng, teaser, trailer, cho đến những chiến
dịch công phu như Cloverfield. Một bộ
phim với kinh phí 20 triệu dollar hoàn toàn có thể tiêu tốn đến 30 triệu cho
khâu quảng cáo. Những bộ phim hạn chế về kinh phí thường sử dụng các chiến lược
ít tốn kém hơn, nhằm vào những đối tượng cụ thể mà họ cho rằng sẽ quan tâm đến
bộ phim (niche market). Song để nói về chiến lược quảng bá của nhà phân phối thì
lại là một câu chuyện dài khác, của một bài viết khác.
No comments:
Post a Comment