Năm 2007, Hayao Miyazaki tuyên bố, Ponyo on a Cliff by the Sea sẽ là bộ
phim cuối cùng của ông. Cái tin này hẳn đã làm tan nát trái tim hàng triệu fan
hâm mộ của My Neighbour Totoro và Spirited Away, nếu như đó không phải là
lần thứ tư (!) ông vua không ngai của hoạt hình Nhật Bản nói lời rửa tay gác kiếm.
Năm 1997, Hayao tuyên bố quy ẩn lần
đầu tiên sau Princess Mononoke, để
rồi tái xuất trước thành công bất ngờ của bộ phim ở thị trường Bắc Mỹ, mang
theo trong mình khát khao chinh phục mới. Như gã phi công “hào hoa” Porco Rosso
trong bộ phim cùng tên, Hayao đã không bay thì thôi, đã bay thì cao đến chín
tầng trời. Spirited Away ra đời và lập
tức giành giải Oscar. Và đây là lần thứ hai ông quy ẩn. Chưa được bao lâu, ông lại
buộc phải tái xuất để chữa cháy cho Studio Ghibli khi Mamoru Hosoda đột ngột rút
lui khỏi Howl’s Moving Castle. Và,
một lần nữa, ông lại thành công. Lần này Hayao khẳng định như đinh đóng cột
rằng cây gậy golf chắc chắn sẽ thay thế chiếc bút chì trên tay ông.
Cho đến khi Goro Miyazaki xuất hiện.
Hayao vốn không đánh giá cao năng lực
của con trai. Có lẽ vì vậy, thắng lợi của Goro với bộ phim đầu tay, Tales from the Earthsea, bên cạnh chuyện
làm ông hạnh phúc với tư cách một người cha, còn kích thích đấu chí ở ông với
tư cách một bậc tiền bối, một người đồng nghiệp. Thầy phù thủy số Một của
Ghibli cảm thấy ông bị thách thức. Ông muốn chứng minh rằng ông vẫn chưa già, vẫn
đủ quyền năng tạo nên những điều kỳ diệu mới. Và Hayao đã làm được điều đó. Với
Ponyo.
Ponyo on a Cliff by the Sea
Nhưng, sau khi xem Ponyo, dù đã quá quen với những lời
tuyên bố “dừng bước giang hồ” của người khổng lồ tóc bạc, người hâm mộ vẫn cảm
thấy bất an. Ponyo, khác với Mononoke, và với Howl’s Moving Castle, có gì đó hồ như một lời giã biệt. Chưa bao
giờ Hayao dành nhiều thời gian đến thế cho một bộ phim (20 tháng). Và chưa bao
giờ ông vẽ nhiều đến thế (170,000 hình). Hơn bao giờ hết, ở Ponyo, người xem cảm thấy, sau cái
nghiệt ngã ở Mononoke, cái tăm tối ở Spirited Away, và cái phức tạp ở Howl’s Moving Castle, Hayao rốt cục đã quay
lại với tuổi thơ, với tiếng cười trong trẻo của cô bé Mei. Trong chín bộ phim
của ông, chỉ có Ponyo là gần Totoro nhất – Totoro từng đưa ông lên tột đỉnh vinh quang, Totoro khẳng định ngai vàng bất khả xâm phạm của ông trong vương
quốc anime. Cùng với Totoro, Ponyo là
hai bộ phim đích thực của Hayao dành cho trẻ con. Dù chúng ta vẫn nói rằng những
kiệt tác của ông dành cho mọi lứa tuổi, nhưng, khi xem Ponyo, cũng như Totoro,
ta không thể không thừa nhận một điều: hàng ghế danh dự đã được Hayao trang
trọng dành riêng cho Trẻ Con, cho những cậu bé Sosuke và những cô bé Satsuki. Chúng
ta, đám người lớn, dù vênh vang đến mấy, chẳng qua chỉ đang được “ăn ké” trẻ
con mà thôi.
Vậy là, sau hai mươi năm phiêu bạt
cùng sáu cuộc phiêu lưu, Hayao đã trở về với cái nơi chốn sâu thẳm nhất của lòng
ông, với những khán giả bé thơ mà ông yêu thương nhất. Nhưng, ta tự hỏi, sự trở
về này, lẽ nào cũng đồng nghĩa với một lời chia tay? Ở mỗi cuộc chia ly, lời chào
sau chót luôn dành cho người đặc biệt nhất với ta. Mononoke, phải chăng là lời chia tay dành cho người lớn, Spirited Away cho tuổi teen, Howl’s Moving Castle cho những trái tim mới
yêu lần đầu? Và giờ, đã đến lượt các bé con?
Có thể Ponyo, trong mắt người lớn chúng ta, không hoàn hảo, đặc biệt là nếu
đem đặt cạnh My Neighbour Totoro,
kiệt tác “số nhất số nhị” của Hayao. Có thể một số người sẽ thấy nhịp phim đôi
chỗ chưa thật sự mượt mà, cốt truyện còn hơi lỏng lẻo… Nhưng hãy thử trở lại
làm trẻ con trong 103 phút, và ta sẽ hiểu rằng, những câu chuyện thần tiên vốn là
như thế, và sự không hoàn hảo, có chăng, chỉ là trong chính đầu óc người lớn chúng
ta mà thôi.
Nếu bản thân Ponyo (dường như) là lời giã biệt Hayao dành cho những khán giả nhí
(thực lòng, người viết rất hy vọng mình sai) thì câu chuyện trong Ponyo lại là một lời giã biệt khác, vốn rất
quen thuộc từ những bộ phim trước của ông: lời giã biệt tuổi thơ. Có người sẽ
hỏi vì sao lại thế, khi kết thúc phim cả Ponyo và Sosuke vẫn chỉ là hai nhóc tì
năm tuổi? Trả lời: điều quan trọng không phải là tuổi tác, nhất là ở một thế
giới kỳ ảo như Ghibli. Điều quan trọng, là sự trưởng thành của nhân vật. Đó là
một thông điệp ưa thích của Hayao dành cho các cô bé và cậu bé: đừng già đi,
hãy lớn lên.
Nụ hôn của cô cá Ponyo và cậu nhóc
Sosuke trong cảnh cuối phim đánh dấu một sự đổi thay to lớn trong cuộc đời hai
đứa: Ponyo chính thức rời khỏi vòng tay của Fujimoto cha cô và bắt đầu cuộc
sống mới của con người. Còn Sosuke chính thức bắt đầu thực hiện lời hứa của cậu
đối với Granmamare: yêu thương và đón nhận Ponyo như là cô vốn thế. Yêu thương trọn
vẹn một con người với mọi ưu và khuyết điểm của người ấy, là một lời hứa rất
thiêng liêng và cũng đầy gian khó, một lời hứa tưởng chừng chỉ dành cho người
lớn, cho những lễ thành hôn. Nhưng cậu bé năm tuổi Sosuke đã bước lên, đã nói
ra điều đó. Bộ phim dừng lại ở đây và chúng ta không biết tương lai của đôi
tình nhân bé thơ ấy sẽ ra sao, nhất là với một cô bé có tình yêu đủ sức làm đại
dương nổi sóng (!). Nhưng, rõ ràng, cậu bé Sosuke bây giờ đã khác với Sosuke
của ngày xưa nhiều lắm...
Spirited Away và Kiki’s
Delivery Service
Trưởng thành không phải là một đề tài
xa lạ đối với Hayao Miyazaki. Ngược lại, ông thậm chí đã dành cho nó những
thước phim đẹp đẽ nhất trong sự nghiệp của mình. My Neighbour Totoro, bên cạnh sự giao cảm giữa con người với thiên
nhiên, trong chừng mực nào đó, còn là câu chuyện về sự trưởng thành, khi
Satsuki bước lên đảm nhận vai trò “người chị” khi mẹ vắng nhà, còn Mei vượt qua
cuộc khủng hoảng tâm lý của nỗi sợ mẹ cô bé sẽ ra đi mãi mãi. Spirited Away, bộ phim có lẽ là nổi
tiếng nhất của Hayao trên toàn thế giới, thậm chí đã lấy đây làm chủ đề chính
và tiếp cận nó một cách cực kỳ trực diện. Cô bé Chihiro là hình mẫu tiêu biểu
của thiếu niên Nhật Bản hiện đại: được nuông chiều, cô đơn, lạc lõng và mất
phương hướng. Bị hãm vào một cuộc phiêu lưu kỳ dị trong thế giới của những linh
hồn, Chihiro buộc phải một mình đương đầu với tất cả. Cô bé lần lượt vượt qua
từng chướng ngại, tích lũy những bài học quý giá về lao động, tình yêu, cuộc
sống, và rốt cục giải cứu được cha mẹ mình. Bước ra khỏi đường hầm trở về thế
giới thực, Chihiro đã trở thành một con người hoàn toàn khác, sẵn sàng đón nhận
tương lai. Spirited Away, nói cho
cùng, chính là khúc anh hùng ca về sự trưởng thành của cô bé Chihiro, và là lời
chúc phúc mà Hayao dành cho toàn bộ giới trẻ Nhật Bản.
Nhưng cả Spirited Away cũng chưa phải là bộ phim đầu tiên của Hayao Miyazaki
về tuổi thơ và sự trưởng thành. Từ năm 1989, ông đã có Kiki’s Delivery Service, câu chuyện về một cô bé phù thủy đến tuổi xa
nhà, một-mình-một-mèo-một-chổi bay đi lập nghiệp ở một thành phố lạ. Kiki có thể không gây ra tiếng vang như Spirited Away hay Totoro, nhưng
vẫn là một tác phẩm xuất sắc với những nét duyên dáng rất Hayao. Như rất nhiều
nhân vật nữ khác của ông – Nausicaa, Chihiro, Satsuki, Mononoke, Kiki là một thiếu
nữ đầy cá tính, mang trong mình một nghị lực tiềm tàng dưới bề ngoài nhút nhát.
Nếu như Chihiro bị động trong hành trình trưởng thành thì Kiki, ngược lại, hoàn
toàn chủ động tìm kiếm điều đó. Không phải ngẫu nhiên mà Kiki bắt đầu chuyến
phiêu lưu tập sự ở tuổi mười ba (năm đầu tiên của tuổi teen); và cũng không phải
ngẫu nhiên mà cô bé dù là phù thuỷ nhưng không có khả năng gì siêu phàm ngoài
việc có thể nói chuyện với chú mèo Jiji và mới bắt đầu biết cưỡi chổi. Cả công
việc mà cô bé chọn ở thành phố mới, Koriko, cũng hết sức bình thường và chẳng hề
“phù thuỷ” tí nào: dịch vụ phát chuyển bưu phẩm. Nếu ta gạt hai chữ phù thuỷ
sang một bên, Kiki sẽ hiện ra như một thiếu nữ bình thường trên đường tìm kiếm
cái tôi và một cuộc đời độc lập. Cũng như bao thiếu nữ bình thường khác, hành
trình của cô bé chẳng thiếu những trắc trở và vấp váp rất thường gặp ở tất cả các
cô thiếu nữ: công việc khó khăn, khách hàng khó tính, ốm đau, cô đơn, nhớ nhà, và
tất nhiên, tình yêu. Có những vấn đề cô bé tự mình giải quyết, có những khó khăn
cô phải nhờ tới sự giúp đỡ của bạn bè. Nhưng, sau cùng, cô đã lớn.
Chúng
ta đã vui sướng xiết bao khi chứng kiến Chihiro và Kiki ngẩng cao đầu và giã biệt
tuổi thơ, và hẳn sẽ nuối tiếc biết mấy nếu lần này lời giã biệt của Hayao là nghiêm
túc. Chỉ mong rằng nó, như bốn lần trước đây, sẽ không thành hiện thực.
Bài đăng trên SVVN tuần từ 13-19/9/2009
No comments:
Post a Comment