Khi tên bộ phim giành giải Sư tử vàng
tại LHP Venice 2009 được xướng lên, hẳn không ít người đã nhíu mày tự hỏi: hình
như chiến tranh Israel – Lebanon
đã trở thành “món ăn khoái khẩu” của ban giám khảo các LHP? Quả có vậy! Năm
2007, Beaufort của Joseph Cedar đoạt
Gấu bạc ở Berlin .
Một năm sau, tới lượt Waltz with Bashir
của Ari Folman giành Quả cầu vàng. Năm nay, đó là Lebanon
của Samuel Maoz. Bất kể đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không, thành
công của ba bộ phim này đều khẳng định một điều: điện ảnh Israel những năm gần đây đã trỗi
dậy vô cùng mạnh mẽ.
Điện ảnh Israel là một nền điện ảnh
trẻ, mới chừng năm mươi năm tuổi đời, một điều không lấy gì làm khó hiểu khi
đất nước của người Do Thái, một dân tộc với lịch sử hàng nghìn năm, chỉ mới ra
đời hơn nửa thế kỷ trước. Những bộ phim Do Thái đầu tiên được sản xuất từ thế
kỷ 19, nhưng phải đợi đến khi nhà nước Israel chính thức được thành lập năm
1948, một nền điện ảnh Do Thái thực thụ mới hội tụ đầy đủ điều kiện để hình
thành và bắt đầu phát triển.
Những năm 50, điện ảnh Israel
vẫn rất sơ khai và hầu như không có dấu ấn đáng kể nào, ngoại trừ việc những
đạo luật khuyến khích phát triển điện ảnh đầu tiên được thông qua, những studio
đầu tiên bắt đầu xuất hiện. Sang thập niên 60, các chính sách hỗ trợ công
nghiệp điện ảnh bắt đầu phát huy tác dụng, dẫn đến sự ra đời và định hình của
những dòng phim đặc trưng Israel
đầu tiên trong thập niên 70. Đó là dòng phim Bourekas (tên một món ăn Do Thái, nhái
lại từ chữ Spaghetti Western của Ý), phản ánh mâu thuẫn giữa hai nhóm người Do
Thái có nguồn gốc Trung Đông và Châu Âu; và dòng phim Xúc cảm Mới, chịu ảnh
hưởng trào lưu Làn sóng Mới của điện ảnh Pháp những năm 60. Những bộ phim
Bourekas khá thành công về thương mại, nhưng không được giới phê bình đánh giá
cao. Trong khi đó, trào lưu Xúc cảm Mới đã có những thành tựu đáng kể trên
phương diện nghệ thuật, tiêu biểu là The
Policeman Azoulay, bộ phim đầu tiên của Israel được đề cử Oscar và sau đó
đoạt giải Quả cầu vàng. Gần bốn mươi năm sau, Waltz with Bashir mới tái lập được thành tích ấy.
Thập niên 80 là thời kỳ điện ảnh
Israel đi vào thoái trào, với sự sụt giảm đáng kể của lượng khán giả đến rạp,
trong khi nền công nghiệp điện ảnh trong nước hầu như không còn nhận được sự hỗ
trợ đáng kể nào từ phía chính phủ.
Bước sang thập niên đầu tiên của thế
kỷ 21, một lần nữa, điện ảnh Israel
lại vươn vai đứng dậy, giành được những thành công lớn trên cả hai mảng – phim
truyện và phim tài liệu. Hàng loạt bộ phim đã gây tiếng vang và đoạt giải
thưởng tại các LHP quốc tế, trong đó ngoài ba cái tên được nhắc đến ở trên, có
thể kể tới Late Marriage, Broken Wings và The Band’s Visit.
Nhìn lại hơn năm mươi năm qua, có thể
thấy yếu tố chính trị, lịch sử và xã hội đã ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc đến sự
hình thành phong cách của nền điện ảnh Israel . Những năm đầu lập quốc là
thời điểm người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới tìm về hội tụ ở miền đất mới.
Giai đoạn này tồn tại khá nhiều mâu thuẫn giữa những chi lưu người Do Thái khác
nhau. Và chính những va chạm xã hội giữa hai nhóm Do Thái Trung Đông (Mizrahi)
và châu Âu (Ashkenazi) đã khơi nguồn cảm hứng cho dòng phim Bourekas. Sau bốn
mươi năm – qua hai thế hệ – xã hội Israel đã đi dần đến chỗ hòa hợp, những mâu
thuẫn của thời kỳ đầu nhạt dần đi, dòng phim Bourekas bởi vậy cũng không còn
được ưa chuộng nữa.
Dấu ấn của lịch sử cũng thể hiện rất
rõ trong dòng phim chiến tranh và quân đội của điện ảnh Israel . Sáu mươi mốt năm lịch sử
Israel là hơn sáu thập kỷ xung đột không ngừng nghỉ – hết chiến tranh Ả rập –
Israel năm 1967 lại đến làn sóng tấn công của người Palestine trong thập kỷ 70,
đỉnh cao là sự kiện Munich 1972; hết chiến tranh Yom Kippur với Ai Cập và Syria
năm 1973 lại tới nội chiến Lebanon lần thứ nhất năm 1982… Khoan nói đến chuyện
đúng sai trên khía cạnh chính trị, việc một quốc gia luôn thường trực trong
tình trạng chiến tranh rõ ràng sẽ có tác động sâu sắc đến nền điện ảnh. Giống
như Hàn Quốc, ở Israel ,
nghĩa vụ quân sự là thiêng liêng và bắt buộc. Bản thân Beaufort, bộ phim về những người lính Israel
cuối cùng rút khỏi pháo đài Beaufort tại Lebanon năm 2000, đã vấp phải sự
phản đối dữ dội của dư luận trong nước vì một số diễn viên đã không thực hiện
nghĩa vụ quân sự, do đó bị cho là không đủ tư cách vào vai những người lính hy
sinh ở Beaufort.
Trong số những cuộc chiến mà Israel tham gia, có lẽ chiến tranh Lebanon
đã lưu lại nhiều vết thương và nỗi ám ảnh nhất. Bởi nếu trong đa số những lần
xung đột trước, Israel chủ yếu phải tự vệ hoặc phòng vệ trước sự tấn công từ các
lực lượng Ả rập, thì chiến tranh Lebanon về bản chất là một sự xâm lược, gây ra
những mất mát và để lại hậu quả hết sức nặng nề với người dân Lebanon. Waltz with Bashir là một nỗ lực của Ari
Folman, một cựu binh của Chiến tranh Lebanon , nhìn nhận lại mặt trái của
cuộc chiến này. Bộ phim kết hợp nhuần nhuyễn phong cách phim tài liệu với sự
tương phản màu sắc dữ dội chỉ có ở phim hoạt hình để nhìn lại vụ thảm sát Sabra
& Shatila trên đất Lebanon
năm 1982 (mà Folman là nhân chứng), qua đó đi tìm một sự hòa giải với quá khứ.
Trong khi đó Lebanon ,
với cái tên trực diện của mình, cũng là một bộ phim phản chiến, khắc họa nỗi ám
ảnh chiến tranh từ một điểm nhìn rất độc đáo: bên trong một chiếc xe tăng Israel tham
chiến. Mặc dù cả hai vẫn gây ra nhiều tranh cãi (Lebanon cho rằng đó là một sự
tuyên truyền và bào chữa kín đáo cho cuộc chiến 1982), nhưng rõ ràng đó là hệ
quả tất yếu của xu thế ôn hòa tiến bộ ngày càng nổi trội ở Israel . The Band’s Visit của Eran Korilin, tuy
không trực tiếp đề cập đến chiến tranh, nhưng vẫn phản ánh tinh thần ấy. Đó là
câu chuyện về một đội quân nhạc của cảnh sát Ai Cập lạc đường trên đất Israel
và tìm thấy sự đồng cảm ở những người dân bản xứ – một kịch bản thể hiện khát
khao hòa giải giữa hai dân tộc từng là cựu thù trong quá khứ.
Đa số những tên tuổi đã gặt hái thành
công cho điện ảnh Israel thời
gian vừa qua đều còn khá trẻ – Samuel Maoz và Ari Folman sinh năm 62 (cả hai
đều mới 20 khi tham chiến ở Lebanon ),
Joseph Cedar năm 68, Eran Korilin năm 73. Tất cả đều đã song hành với sự trưởng
thành của điện ảnh Israel ,
và đại diện cho một thế hệ trẻ có tư tưởng tiến bộ. Lớn lên giữa những vụ đánh
bom cảm tử và những cơn mưa rocket, hơn ai hết, họ chán ghét chiến tranh, trân trọng
hòa bình và khát khao tìm kiếm nó. Sinh ra khi đất nước Israel đã bước vào thời
kỳ ổn định, những Folman và Korilin không chỉ hội tụ những giá trị của văn hóa
Do Thái được định hình tại Israel sau hai, ba mươi năm lập quốc, mà còn mang
trong mình hơi thở của thời đại toàn cầu hóa (Waltz with Bashir có hơi hướng âm nhạc đương đại châu Âu cực kỳ rõ
rệt; còn The Band’s Visit nồng nàn
chất jazz với Summertime, một tác phẩm kinh điển của George và
Ira Gershwin, hai nhà soạn nhạc người Mỹ, trùng hợp thay, gốc Do Thái). Với
tuổi trẻ trong tay và tương lai trước mắt, chắc chắn họ sẽ còn tiến xa với
những tác phẩm mới của mình. Và chúng ta có quyền chờ đợi điều đó.
Bài đăng trên TTVH Cuối tuần ra ngày 18/9/2009
No comments:
Post a Comment