Tháng 5 năm nay, sau khi LHP Cannes
kết thúc, tờ Guardian nhận xét: “Chúng
ta đã được chứng kiến sự ra đời của vũ trụ và ngày tận thế của trái đất. Nhưng
hóa ra điều chúng ta thực sự trông đợi từ đầu là cảnh một gã đàn ông bị đập nát
đầu trong thang máy. Khán giả chào đón nó như một người bạn thất lạc lâu ngày.”
Đó là lời bình luận về Drive, bộ phim đã nhận được 15 phút vỗ
tay của khán giả khi trình chiếu ở Cannes và đem về cho Nicolas Winding Refn giải
Đạo diễn xuất sắc nhất và báo hiệu một năm thành công rực rỡ cho Ryan Gosling (Crazy Stupid Love ra mắt tháng 7 và The Ides of March khởi chiếu tháng 9).
Trong Drive, Ryan sống đời bình lặng vào ban ngày trong vai anh thợ máy
ngoan hiền tốt tính, thi thoảng làm cascadeur để kiếm thêm, và chuyên lái thuê
cho các băng cướp khi đêm xuống. Cuộc đời bình lặng ấy bắt đầu nổi sóng khi gã
có cảm tình với Irene (Carey Mulligan), nàng thiếu phụ nhà bên, có đức ông chồng
đang vướng vòng lao lý. Vì một phút nổi lòng nghĩa hiệp giúp đỡ anh chồng mới
ra tù đang khát khao làm lại cuộc đời, gã vướng vào một âm mưu đẫm máu do hai
tay trùm mafia bày bố…
Câu chuyện của Drive chỉ có vậy, rất kinh điển, nếu
không muốn nói là rất cũ và rất sến. Ấy thế nhưng từ một kịch bản quen thuộc
như thế, bộ đôi Refn – Gosling đã đưa người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ
khác. Cũng là một phim về xe, nhưng Drive
không gầm rú như series Fast &
Furious, mà chậm gấp ba nếu xét về tiết tấu, và dữ dội gấp ba nếu xét tới
những khoảnh khắc “cuồng nộ” trong phim. Chính cái chậm rãi ấy, cái nhẩn nha ấy
đã tích lũy và dồn nén sự căng thẳng để bộ phim bùng nổ vào những thời điểm bất
ngờ nhất.
Độ bức bối trong tiết tấu của Drive được nhân thêm một tầng bằng những
khuôn hình rất neo-noir của Newton T. Sigel. Sigel sử dụng những tông màu trầm,
nặng như vàng nâu, xám; và tái hiện lại những thủ pháp ánh sáng và tương phản
kinh điển của phim noir những năm 40-50, nhưng lại tạo ra một không khí đặc sệt
của thập niên 80. Những màu sắc và tương phản ấy lại được bóp nghẹt đằng sau một
ống kính góc rộng quen thuộc và đã trở thành “thương hiệu” của Refn.
Cái giỏi của Refn còn nằm ở chỗ
anh tạo ra được những cảnh phim instant
classic – nghĩa là vừa ra đời đã lập tức thành kinh điển. Đó là khi tột độ
của lãng mạn và đỉnh điểm của bạo lực bị nén vào một phút và bị nhốt chung vào một
thang máy nhỏ. Đó là khi ngôn từ im lặng, nhường chỗ cho sức mạnh kỳ ảo của
hình ảnh để thể hiện cùng lúc cả tình yêu, nỗi đau chia ly và phút giây lột xác
của một con dã thú. Hiếm đạo diễn nào dung hòa được hai thái cực đối lập trong
một cảnh quay tài tình đến như Refn: nhân vật của anh bước từ miền yêu thương
sang vùng tàn bạo, và bình thản làm điều đó chỉ trong một sát na.
Và Ryan Gosling trong Drive quả thực là một con mãnh thú, khiến
những ai từng biết gã thầy giáo Brooklyn nghiện ma túy trong Half Nelson hay cậu trai bẽn lẽn ở Lars and the Real Girl đều phải bất ngờ.
Drive vốn rất ít thoại, và gã tài xế
do Ryan thủ vai là nhân vật kiệm lời nhất trong phim. Im lặng là cách gã thể hiện
tình yêu thương, sự quan hoài. Và khi gã nói những câu dài, ấy là lúc gã nổi giận.
Gosling mới 30, trẻ hơn rất nhiều và ngoại hình cũng rất khác Humphrey Bogart
khi ông đóng Casablanca, song cái vẻ
dễ tổn thương của một gã trai giang hồ ngoài cứng trong mềm ấy thì tuy hai mà một.
Bộ phim làm ta không khỏi nhớ tới những câu chuyện của Cổ Long, với những nhân
vật nam đầy “hiệp cốt nhu tình”, hành xử rất quyết đoán nhưng luôn vì nữ nhân
mà khổ lụy.
Drive
kể chuyện lái xe thì ít, mà về nỗi cô đơn, về tình
yêu, về sự cảm thông và bản năng tự vệ – những động cơ thôi thúc (cũng là chữ drive trong tiếng Anh) các nhân vật hành
động mạnh mẽ và quyết liệt như vậy – thì nhiều. Nhưng về bản chất, đây vẫn là một
car movie, bởi đến cuối cùng, sau bao
sóng gió, cùng gã tài xế ra đi trong nắng chiều chạng vạng vẫn chính là chiếc
xe quen. Nhân vật ít lời của Ryan vì thế chắc cũng gợi không ít người nhớ tới tay
cowboy vô danh của Clint Eastwood năm nào. Và Drive, trong chừng mực nào đấy, cũng có thể tính là một phim Viễn
Tây của thời hiện đại.
Không có gì mới nhưng vẫn mới,
tìm cảm hứng từ các thể loại cũ song lại không hề cũ, Drive đem đến cho những người hoài cổ một cơn rung động hồn nhiên
mà mãnh liệt về những thể loại từng làm mưa làm gió một thời – film noir,
Western, B-movies… Bộ phim đã, một lần nữa, cho ta thấy điều quan trọng không
phải lúc giờ cũng là câu chuyện, mà là câu chuyện ấy được kể như thế nào.
No comments:
Post a Comment