Ngày
nay, phim gia đình vẫn chiếm một tỉ lệ không nhỏ ở các rạp chiếu phim. Nhưng số
phim thực sự hay thì lại không nhiều, và, đôi khi, để tìm thấy một bộ phim như
thế, ta phải ngược dòng thời gian rất xa để tìm về với những viên ngọc của quá
khứ. Một trong những viên ngọc ấy là bộ phim musical của hãng MGM, Meet me in St. Louis (1944).
Năm
năm sau thành công rực rỡ của Wizard of
Oz, cô bé Dorothy (Judy Garland) nay đã lớn và hóa thân vào vai Esther
Smith, một thiếu nữ tuổi vừa đôi tám ngụ ở 5153 Kensington Avenue, St. Louis –
một thành phố lớn ven bờ Mississipi. Cô gái phải lòng chàng hàng xóm điển trai
John Truett (Tom Drake) và tìm mọi cách để làm quen với John. Khi tình cảm giữa
họ vừa chớm nở thì ông Smith cha cô lại có cơ hội thăng chức và quyết định cả
gia đình sẽ dọn đến sống ở New York vào cuối năm, một cái tin rất đột ngột với
nhà Smith, bởi ai nấy đều háo hức chờ đợi Hội chợ Thế giới 1904 sẽ được tổ chức
vào cuối năm ở St. Louis. Trong bối cảnh ấy, Đêm Giáng sinh là sự kiện lớn cuối
cùng của nhà Smith ở St. Louis, và cũng là cơ hội cuối cùng để John bày tỏ tình
yêu của mình với Esther…
Meet me in St. Louis là một câu
chuyện giản dị, nếu không muốn nói là kinh điển Hollywood, làm cho ta nhớ đến một
bộ phim tương tự nhưng có lẽ nổi tiếng hơn nhiều là The Sound of Music. Judy Garland với đôi mắt to tròn đã mang giọng
hát của mình vào bộ phim và lần đầu tiên đem đến với khán giả ba bài hát ngày nay
đã trở thành một phần của The Great American
Songbook – đó là The Boy Next Door,
Trolley Song và Have Yourself a Merry Little Christmas. Cảnh Esther mặc chiếc váy sọc,
ngồi bên cửa sổ dưới vòm hoa và than thở: The
moment I saw him smile, I knew he was just my style, sau hơn 60 năm có lẽ vẫn
sẽ làm nhiều người xao xuyến, nhất là những thiếu nữ lần đầu biết tới hương vị
của tình yêu. Và có lẽ cũng khó ai có thể quên được trường đoạn Esther đi xe điện
và cất tiếng hát ngọt ngào: ‘Thump, thump,
thump’ went my heartstrings. When he
smiled I could feel the car shake. Sánh vai cùng Judy, Tom Drake rất tự
nhiên hóa thân thành anh hàng xóm dễ thương, và mỗi lần anh xuất hiện, giữa
John và Esther lại toát ra một vẻ bỡ ngỡ mà hồn nhiên rất đỗi tình đầu khiến ta
không khỏi mỉm cười.
Sau
Judy, có lẽ cô nhóc ‘Tootie’ Smith (Margaret O’Brien) là người đem lại nhiều tiếng
cười nhất cho khán giả. Tootie là một bà cụ non chính hiệu với sở thích kỳ quái
là làm lễ tang cho các em búp bê bị ốm; và mỗi trò nghịch ngợm vừa kỳ cục vừa
ngộ nghĩnh của cô bé luôn là nguyên nhân gây rắc rối cho nhà Smith, nhưng chính
nó cũng đã mang lại cho Margaret giải Oscar dành cho thiếu nhi năm 1944.
Nhưng
nhà Smith không chỉ có Esther và Tootie. Đây là một đại gia đình gồm có Đại tá
Darly (ông nội Esther), ông bà Smith, bốn chị em Rose, Alonzo Jr., Esther,
Tootie và bác Katie giúp việc. Bên cạnh mối tình giữa Esther với John, cuộc sống
của nhà Smith chính là những giây phút đẹp nhất và đầm ấm nhất của bộ phim. Mỗi
chi tiết, dù lớn hay nhỏ, đều vẽ nên trước mắt khán giả một gia đình hạnh phúc
và mẫu mực một cách đáng mơ ước. Đó là khi bà Smith và bác giúp việc ganh đua về
công thức của món ketchup tuyệt hảo, là cảnh cả gia đình háo hức ngồi ở bàn ăn
chờ đợi cuộc gọi đường dài từ ý trung nhân của cô chị cả Rose, là phản ứng giận
dỗi của mọi người trong nhà, từ cô bé Tootie đến ông nội Darly, khi ông Smith
thông báo sau Lễ Giáng sinh cả nhà sẽ chuyển đến New York.
Một
vẻ đẹp nữa không thể không nhắc đến là từ cách nói chuyện cho đến lối ứng xử của
mỗi người trong gia đình Smith, đều toát ra một vẻ lịch lãm rất đặc trưng của
miền Nam nước Mỹ, vẻ lịch lãm từng mê hoặc người xem trong Gone with the Wind hay To
Kill the Mocking Bird. Vẻ đẹp ấy càng trở nên duy mỹ hơn dưới gam màu rực rỡ
đến phi thực của những thước phim Technicolor, khiến mỗi khi hoài cổ, người ta
lại hẹn nhau tìm về với St. Louis, Louis…
No comments:
Post a Comment