Tháng
3/2012, một bộ phim Indonesia đã gây ra cơn địa chấn lớn nhất trong giới ghiền điện
ảnh võ thuật kể từ Ong Bak (2003). The Raid: Redemption là sự kết hợp kỳ lạ
(nếu không muốn nói là kỳ quái) của Gareth Evans, một đạo diễn trẻ người xứ
Wales, và Iko Uwais, ngôi sao có gương mặt rất thư sinh của xứ Vạn đảo. Nếu Ong Bak khiến khán giả giật mình nhận ra
Hongkong không còn là xứ sở độc tôn của những kiệt tác võ thuật, thì những màn
cận chiến nhanh, chuẩn, độc và khốc liệt kinh người của The Raid đã thuyết phục họ rằng Tony Jaa đã có đối thủ xứng tầm ở
Đông Nam Á. Mắc kẹt trong một chung cư cũ nát, sào huyệt của tên trùm xã hội
đen, đội đặc nhiệm của viên cảnh sát trẻ Rama chỉ còn một lựa chọn là mở đường
máu tiến lên. Và từ đấy, The Raid chỉ
còn là cảnh Rama tiến lên, để lại sau lưng một con đường đẫm máu…
Trước
khi Rama dấn bước vào hỏa ngục, The Raid
dành cho viên cảnh sát trẻ một giây phút bình yên để chia tay người vợ đang
mang thai đứa con đầu lòng. Cảnh quay đơn giản, dung dị, nhưng làm người ta bùi
ngùi nhớ đến một viên cảnh sát đặc nhiệm khác ở bên kia quả địa cầu, cũng thân
lâm hiểm địa khi vợ đang mang thai đứa con đầu lòng: Roberto Nascimento, Đội
trưởng đặc nhiệm của thành Rio de Janeiro trong Tropa de Elite.
Trên
thế giới, không thiếu gì những bộ phim ra đời để nối tiếp một bộ phim khác
(sequel), hoặc làm lại một bộ phim khác (remake). Nhưng, bổ sung cho nhau một
cách vừa ngẫu nhiên, vừa tự nhiên, vừa trọn vẹn như The Raid và Tropa thì quả
là hiếm thấy. Hai bộ phim đều là khúc tráng (và bi) ca của đời đặc nhiệm, nhưng
từ hai góc độ, với hai cung bậc hoàn toàn khác biệt. Thế nên khán giả xem phim
nào trước cũng được, bởi trình tự nào cũng có tư vị riêng, cũng sẽ mang lại cho
người xem những cảm xúc riêng.
Bản
chất của The Raid là một viên adrenaline
liều cao, không phụ gia và không tá dược. Rama, như vị hoàng tử huyền thoại mà
anh mang tên, từ đầu đến cuối, chỉ làm duy nhất một việc, đó là chiến đấu, chiến
đấu, và chiến đấu, chống lại Tama và thuộc hạ, hóa thân trần thế của Quỷ vương Ravana.
Chỉ thế thôi, nhưng cũng đủ khiến mạch máu khán giả sục sôi và thái dương thì
giần giật theo mỗi đòn sát thủ của Rama.
Tropa thì không thế.
Đây là câu chuyện chân thực mà khắc nghiệt về cuộc đời các thành viên trong lực
lượng tinh nhuệ nhất của cảnh sát Brazil. Với giới tội phạm ở Rio, BOPE đã
thành một thứ truyền kỳ, một nỗi ám ảnh, một Tử thần. Nhưng, với các thành viên
trong đội, khi câu chuyện dần hé mở, ta mới hiểu rằng: chọn con đường này, với
họ, đồng nghĩa với việc bước chân vào Vô gián đạo – một địa ngục bất tận và không
lối thoát.
Câu
chuyện của Tropa được kể qua góc nhìn
dạn dày trận mạc của Nascimento. Người đội trưởng sắt đá của BOPE một ngày kia
nhận ra mình sắp làm cha. Làm cha, đồng nghĩa với việc anh không thể làm đội
trưởng nữa. Nascimento khởi sự cuộc săn lùng một người thay thế vai trò của
mình, và thấy ở Matias và Neto, hai viên cảnh sát mới vào nghề vẫn sục sôi nhiệt
huyết và lý tưởng, hai ứng cử viên tiềm năng cho vị trí mà anh sắp ra đi. Nascimento,
bằng giọng nói trầm, lạnh, vô cảm, kể cho ta câu chuyện về Neto và Matias, về
cơ duyên đã đẩy đưa họ đến với đội quân tinh nhuệ này.
Ở
Matias và ở Neto, ta nhìn thấy hai tính cách hoàn toàn trái ngược: một da đen, trầm
tĩnh, chất phác, trí thức; một da trắng, bốc đồng, ranh mãnh, máu lửa. Có điều,
họ lại chia sẻ hai phẩm chất không thể thiếu khi gia nhập BOPE: lòng can đảm,
và sự chính trực chưa bị giới cảnh sát biến chất ở Rio làm vấy bẩn.
Nhưng
như thế là chưa đủ. Đặc biệt là với Matias, một anh chàng da đen mặc dù đã gia
nhập BOPE nhưng vẫn ngây thơ tin rằng mình có thể vừa là luật sư vừa là cảnh
sát, vừa là hung thần của tội phạm vừa là tình nhân dịu ngọt của Maria, cô nữ
sinh quý tộc da trắng xinh đẹp cùng trường. Ở The Raid, tất cả những gì Rama cần để đột phá vào sào huyệt của cái
ác chỉ là sức mạnh thể chất và một ý chí bất khuất. Nhưng, muốn tôi luyện bản
thân đủ sức đương đầu với thế giới ngầm của Rio, Matias đã phải trả một cái giá
rất đắt: đoạn tuyệt với con người cũ của mình, với lý tưởng về tinh thần thượng
tôn pháp luật, với cuộc sống vô tư của một sinh viên, với vai người anh của
muôn vàn em nhỏ, với cả Tình yêu… Đây chính là bi kịch của những cảnh sát thực
thụ ở Tropa: họ khao khát trở thành
người xuất sắc nhất để chiến đấu chống lại cái ác, và rồi nhận ra sự thật tàn
nhẫn rằng: để thắng được cái ác, con đường duy nhất hữu hiệu, là phải ác-hơn-cái-ác!
Nếu
địa ngục của Rama là một tòa chung cư với hàng trăm gã đầu trâu mặt ngựa thì địa
ngục của Nascimento có tới hai tầng. Tầng thứ nhất, là các favelas (khu ổ chuột)
đầy rẫy hiểm nguy của Rio. Tầng thứ hai, hiểm ác hơn, là con đường đẫm máu mà anh
ngày một lún sâu vào. Tra tấn tàn bạo để bức cung, bỏ mặc kẻ chỉ điểm vị thành
niên bị giết, xem đây như một tổn thất không-mong-muốn-nhưng-không-tránh-khỏi,
Nascimento quả không từ thủ đoạn gì để duy trì trật tự và (?!) công lý. Có nhiều
nhà phê bình cho rằng Tropa là sự tôn
vinh trá hình bạo lực của cảnh sát. Nhưng trên thực tế, Nascimento hơn ai hết ý
thức rõ và ghê sợ thứ bạo lực mà anh thực thi. Có điều, chính anh cũng vô
phương cưỡng lại nó – nó đã ăn vào cốt tủy nghề nghiệp của anh. Ngoài đứa con sắp
ra đời, nỗi ám ảnh của vòng xoáy bạo lực ngày một tăng dần chính là động cơ
thôi thúc anh rút lui. Thật khó lòng phán xét anh đúng hay sai, song rõ ràng cuộc
chiến nội tâm của Nascimento để duy trì sự cân bằng của tâm lý, để không chìm
quá sâu vào vực thẳm bạo lực, cũng khốc liệt chẳng kém cuộc chiến của súng đạn
mà anh phải đương đầu.
Ở
đây, kết cấu truyện-trong-truyện cùng với những thủ pháp đặc thù của phim tài
liệu khiến Tropa không thực sự có
nhân vật chính: Nascimento vừa kể chuyện vừa trực tiếp tham gia câu truyện,
nhưng chuyện lại chủ yếu xoay quanh Matias và Neto. Nhưng điều đó không quan trọng.
Bởi vì Matias, Neto, hay Nascimento, cũng đều là một. Matias và Neto chính là
quá khứ của Nascimento, cái ngày anh mới chân ướt chân ráo bước vào đặc nhiệm;
còn Nascimento chính là Matias hay Neto của tương lai, khi họ đã bị bào mòn và
gọt nhẵn mọi khía cạnh cá nhân, chỉ giữ lại những gì cần thiết nhất, ác liệt nhất
cho cuộc chiến chống tội phạm. Nhìn Matias, ta không khỏi bùi ngùi, cảm thông với
Nascimento khi hình dung ra anh đã phải hy sinh những gì, vứt bỏ những gì, sau
ngần ấy năm làm một Đội trưởng ở BOPE. Nhưng biết làm sao? Bài học được Đại
úy Nascimento dành cho Matias, khi đặt vào tay anh khẩu shotgun, hóa ra, cực kỳ
giản dị: Ta không vào địa ngục, thì ai vào địa ngục đây?
Bài đăng trên Thể thao Văn hóa Đàn ông số tháng 11/2012
Cảm ơn bác đã review để giờ nhớ lại, tìm xem và vẫn thấy hay!
ReplyDeleteHay vãi
ReplyDelete