Nếu đây là một
bộ phim Việt Nam thì chắc hẳn bài hát chủ đề của nó sẽ có câu “Tôi là ai, mà
còn trần gian thế? Tôi là ai mà yêu quá đời này?” Đặt lên môi một cô thiếu nữ
hiện đại bất kỳ, câu hát ấy khó lòng tránh khỏi sắc màu sến sáo. Nhưng trên môi
Kaguya, một sinh linh bí ẩn, hoàn mỹ, đến từ ống tre và lớn lên như một nàng
công chúa giữa sùng kính và ham muốn của người đời, đó lại là tiếng lòng chân
thật nhất.
Từ lâu,
nhân duyên ngang trái của tiên giới và phàm trần đã thành cảm hứng bất tận của văn
học phương Đông. Nhưng khác với câu chuyện của Chức Nữ và Tử Y, nơi đại diện
cho trần thế là một chàng trai cụ thể, người tình của Kaguya chính là hồng trần,
hồng trần với muôn vàn sắc màu hỉ nộ ai lạc của nhân gian, mặc dù quả thật tuổi
thơ của nàng đã từng có một mối tình thanh mai trúc mã. Kaguya lớn lên giữa yêu
thương nhân thế và tú lệ trần gian, nàng si mê vẻ đẹp của dương gian bao nhiêu
thì cũng kinh sợ cái xấu của nhân loại bấy nhiêu. Cả đời mình, nàng khắc khoải kiếm
tìm lời giải cho câu hỏi “Ta là ai và ta thuộc về đâu?”, nhưng khi đối diện với
câu trả lời, hẳn nàng đã ước, giá như mình đừng đi tìm nó, giá như chỉ có nàng
và trần gian, một trần gian vi diệu và đẹp tới nao lòng, một trần gian muôn tía
ngàn hồng qua từng nét vẽ màu nước chỉ có thể là của Ghibli.
Nhưng
câu chuyện người tiên cõi phàm ấy mới chỉ là tầng nghĩa đầu tiên trong tâm tưởng
của Isao Takahata. Như Mononoke, như Chihiro, và như nhiều nhân vật nữ khác của
Ghibli, Kaguya cũng là một cô gái đến tuổi trưởng thành, đang trên hành trình
đi tìm bản ngã. Những xung đột giữa cá tính tự nhiên và chuẩn mực xã hội, giữa
tham vọng khuôn phép của người cha và khát khao phá cũi sổ lồng của con gái,
cũng là câu chuyện chung của mọi thiếu nữ sắp bước vào đời.
Tầng
nghĩa thứ ba và đặc hữu của Takahata, là nỗi quan hoài sâu sắc về sự gắn bó giữa
con người với tự nhiên. Những giây phút thần tiên nhất trong đời nàng công chúa,
lại là khi em đắm mình giữa thiên nhiên cùng đám bạn hàn vi. Điện ngọc cung
vàng của em là thật, song cũng là ẩn dụ về một thế giới nhân tạo của hoa chăm cỏ
xén, ngăn cách con người với tự nhiên, với hồn nguyên của chính mình. Duyên của
em với trần gian, vì thế, không hết khi em trở về tiên giới, mà đã “chết từ sơ
ngộ màu hoa trên ngàn.”
No comments:
Post a Comment