Ở Việt Nam, khi bàn về dịch thuật,
luôn xuất hiện rất nhiều triết lý. Tín đạt nhã. Dịch là diệt. Dịch là phản. Dịch
phải trung thành với bản gốc. Dịch là sáng tác lần thứ hai. Dịch phải am hiểu cả
ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích. Dịch giả phải có chiều sâu văn hóa và kinh
nghiệm sống. Vân vân và vân vân.
Những tuyên ngôn này, tuy rất
đúng, rất hay, rất khái quát, nhưng nói cho cùng chẳng giúp được gì nhiều cho
người dịch trên thực tế. Bởi chúng đâu phải là một thứ thần chú chỉ cần tụng
lên là xử lý được mọi vấn đề.
Dịch luôn có hai mặt – kỹ thuật
và nghệ thuật. Nếu như nghệ thuật – a touch of genius – là một cái ngưỡng khó đạt
đến, và là ranh giới phân biệt giữa một dịch giả tốt với một dịch giả tài hoa,
thì kỹ thuật trong dịch thuật là điều hoàn toàn có thể đạt đến thông qua rèn
luyện. Cũng như đá bóng vậy – không phải nhà vô địch thế giới nào cũng là thiên
tài, nhưng chắc chắn tất cả đều có kỹ thuật hoàn thiện.
Năm 2007, tôi bắt đầu dịch văn
học, tất nhiên như nghề tay trái. Càng làm, tôi càng cảm thấy sâu sắc một điều:
dù làm việc trên những văn bản giàu tính nghệ thuật nhất, cốt lõi của dịch thuật
vẫn là kỹ thuật.
Hiện tôi đang dịch một cuốn
sách mới. Nhân dịp này, tôi dự định sẽ đều đặn ghi lại những sở đắc nhỏ bé của
mình trong quá trình làm việc trên blog. Cuốn sách này văn phong tuy lão luyện,
nhưng ngôn ngữ lại bình hòa trung chính, mang đậm màu sắc
non-fiction/documentary, rất phù hợp làm ví dụ minh họa cho những kỹ thuật về dịch
thuật.
Khi kết thúc cuốn sách, nếu những
nhặt nhạnh ấy đủ dày dặn, tôi sẽ hệ thống hóa chúng lại thành một tiểu luận nho
nhỏ, với hy vọng sẽ giúp ích được ít nhiều cho những độc giả quan tâm.
Các bài viết liên quan sẽ được
gắn kèm tag Schindler và Translation để người đọc tiện theo dõi.
Have fun!
No comments:
Post a Comment